Rối loạn đại tiện ở trẻ em (Infant dyschezia)

Còn được gọi là hội chứng trẻ rên rỉ, đây là tình trạng khó/ ít đi đại tiện ở trẻ dưới 9 tháng tuổi. Trên thực tế bố mẹ cũng như nhân viên y tế thường bị nhầm lẫn với táo bón. Tuy nhiên về căn nguyên cũng như điều trị hai nhóm bệnh này lại có nhiều sự khác biệt.

Nguyên nhân?

Chứng khó đại tiện ở trẻ nhỏ là sự chưa hoàn hiện trong việc phối hợp các các cơ phụ trách quá trình tạo áp lực ổ bụng cũng như giãn cơ thắt hậu môn (Đây là hoạt động cần thiết để có thể tống phân ra ngoài trực tràng). Phản xạ này cần được hoàn thiện trong quá trình phát triển của trẻ, tuy nhiên một số bé gặp khó khăn để hoàn thện hơn so với thông thường.

Các biểu hiện?

  • Căng thẳng ít nhất 10 phút
  • Khóc, càu nhàu hoặc la hét
  • Mặt chuyển sang màu đỏ hoặc tím
  • Quằn quại hoặc đá chân
  • Không phải lúc nào cũng thành công trong việc đi đại tiện
  • Phân mềm, bình thường

Phân biệt rối loạn đại tiện hay táo bón?

Rối loạn đại tiện thường biểu hện ở trẻ dưới 9 tháng, mặc dù có thể vài ngày trẻ mới đi đại tiện, động tác đi đại tiện có thể khó khăn tuy nhiên phân trẻ vẫn mềm. Ngược lại trẻ táo bón phân thường cứng, có thể kèm máu tươi và rối loạn này thường kéo dài trên 1 tháng.

Phân biệt rối loạn đại tiện hay khóc dạ đề?

  • Khóc dạ đề là một tình trạng khác khiến trẻ khóc không nguôi mà không có lý do rõ ràng.Trẻ có thể cong lưng, nắm chặt tay hoặc co chân lên bụng khi khóc và đôi khi mặt trẻ đỏ bừng.
  • Khóc dạ đề còn là một điều bí ẩn, nhưng giống như rối loạn đại tiện, đây là có thể chỉ là một biểu hiện trong giai đoạn phát triển của trẻ.
  • Thông thường, các bác sĩ chẩn đoán khóc dạ đề khi không thể tìm ra lời giải thích nào khác cho tình trạng quấy khóc của bé. Chứng rối loạn đại tiện là một khả năng cần loại trừ trước tiên. Nếu bạn nhận thấy bé quấy khóc trước khi đại tiện và tình trạng này kết thúc khi bé đại tiện, thì có thể bé mắc chứng rối loạn đại tiện.

Chẩn đoán rối loạn đại tiện

  • Chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng của BS Nhi khoa.
  • Không có xét nghiệm để chẩn đoán xác định.
  • Đôi khi các bs sẽ cho con bạn làm xét nghiệm để loại trừ một số nhóm bệnh khác như bệnh phình đại tràng bẩm sinh hoặc suy giáp trạng bẩm sinh…

Điều trị

  • Không có điều trị đặc hiệu.
  • Có thể hỗ trợ trẻ bằng cách: để trẻ ở tư thế sản khoa (nằm ngửa, dạng nhẹ chân, gập 2 đùi), dùng vật mềm như tăm bông nhúng mật ong, kích thích quanh hậu môn- cũng có thể đưa nhẹ vào hậu môn, giúp tạo phản xạ đi ngoài. Có thể lặp lại liệu pháp này nếu sau 2-3 ngày trẻ không đi ngoài.
  • Han chế dùng các thuốc thụt hậu môn. Gây ảnh hưởng đến phản xạ đi ngoài của trẻ.
  • Có một số nghiên cứu cho thấy rằng mát-xa cho trẻ sơ sinh có thể giúp kích thích hệ thần kinh và sự phát triển thể chất của bé. Mặc dù không phải là phương pháp điều trị trực tiếp, nhưng xoa bóp thường xuyên có thể cải thiện sự phối hợp giữa não và cơ thể giúp trẻ hoàn hiện quá trình đại tiện
  • Đa phần tình trạng này chỉ kéo dài trong vài tuần, hầu như không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Các dấu hiệu cảnh báo mà cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm?

  • Phân cứng hoặc nhầy máu
  • 7 ngày không đi ngoài
  • Nôn trớ, chậm tăng cân

Tài liệu tham khảo

  1. Benninga MA, Faure C, Hyman PE, St James Roberts I, Schechter NL, Nurko S. Childhood Functional Gastrointestinal Disorders: Neonate/Toddler. Gastroenterology. 2016 Feb 15:S0016-5085
  2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24109-dyschezia
  3. https://aboutkidsgi.org/lower-gi/childhood-defecation-disorders/infant-dyschezia/

BS Đông

9 thoughts on “Rối loạn đại tiện ở trẻ em (Infant dyschezia)”

Comments are closed.