Mồ hôi trộm hay ra mồ hôi vào buổi đêm là một tình trạng khá hay gặp ở trẻ em, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ với tần suất khác nhau, có thể tới 38.3% trẻ khỏe mạnh từ 18-20 tháng tuổi có ra mồ hôi trộm. Trẻ trai thường gặp hơn trẻ gái.
1. Triệu chứng của ra mồ hôi trộm?
Trẻ có thể khỏe mạnh và khô ráo cả ngày nhưng khi ngủ trẻ có thể ra mồ hôi cục bộ hoặc toàn thân.
- Ra mồ hôi cục bộ: mồ hôi ra rất nhiều ở 1 vùng cơ thể, có thể chỉ ở vùng da đầu hoặc toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ. Có thể thấy gối đầu của trẻ ướt trong khi giường ngủ khô ráo Trẻ lớn hơn thường chỉ ra ở nách.
- Ra mồ hôi toàn thân: mồ hôi ra rất nhiều ở toàn bộ cơ thể. Ga giường, gối và quần áo của trẻ có thể ướt, trong khi giường ngủ vẫn khô ráo.
Cùng với ra mồ hôi, trẻ có thể xuất hiện:
- Đỏ bừng mặt hoặc toàn thân
- Tay hoặc toàn thân ấm nóng
- Rùng mình hoặc sởn da gà (do mồ hôi ướt đẫm)
- Quấy khóc giữa đêm vì nhiều mồ hôi
Buồn ngủ vào ban ngày (do đêm ngủ không ngon vì mồ hôi quá nhiều)
2. Nguyên nhân
Ra mồ hôi trộm về đêm đa phần do sinh lý hoặc môi trường, một số ít trường hợp là do vấn đề về sức khỏe thật sự.
- Do phòng quá ấm
– Cha mẹ để nhiệt độ phòng cao hoặc giường ngủ quá nhiều chăn, gối. Đặc biệt hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi do chúng chưa biết cách thoát ra khỏi quần áo nặng và chăn gối.
– Khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi nên được ngủ riêng trên cũi không có chăn, gối hay bất kì vật dụng gì khác. Điều này không chỉ giảm ra mồ hôi trộm mà còn làm giảm tỉ lệ đột tử khi ngủ ở trẻ. - Do đặc điểm tuyến mồ hôi
– Khác với người lớn, trẻ em không có nhiều tuyến mồ hôi ở nách, các tuyến mồ hôi tập trung nhiều và hoạt động mạnh ở vùng đầu, trong khi đây lại là vùng trẻ ít thay đổi tư thế khi ngủ vào ban đêm.
– Một giả thuyết khác cho rằng do cơ thể trẻ nhỏ nên số tuyến mồ hôi trên một đơn vị diện tích da nhiều hơn so với người lớn. - Do hệ thần kinh chưa hoàn thiện
Hệ thống thần kinh giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, hệ thần kinh của trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, hệ thần kinh không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của trẻ như ở người lớn. Điều này có thể giải thích việc trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đổ mồ hôi khi ngủ. - Do ngủ sâu giấc
Khi trẻ ngủ sâu giấc, chúng không vận động, di chuyển qua lại khiến mồ hôi ra nhiều ở các vùng tiếp xúc chăn gối… Nghe có vẻ ngạc nhiên, con bạn có thể trằn trọc, đánh thức bạn đến 20 lần một đêm nhưng ngay sau đó chúng bước vào một chu kỳ ngủ sâu mới. Vì thế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều chu kỳ ngủ sâu hơn so với trẻ lớn và người lớn. - Do gen
– Trẻ có thể có thể mang các gen khiến tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn.
– Ở những trẻ này, bố mẹ chúng cũng thường có tình trạng tăng tiết mồ hôi. - Thay đổi về hormone
Trẻ lớn có thể ra mồ hôi trộm do thay đổi về hormon, đặc biệt là khi trẻ dậy thì (thường bắt đầu ở 8 tuổi với trẻ gái hoặc 9 tuổi ở trẻ trai). Ở những trẻ dậy thì, tình trạng tăng tiết mồ hôi thường đi kèm với sự xuất hiện của mùi mồ hôi hoặc mùi cơ thể.
Liên quan với một số vấn đề sức khỏe
Cảm lạnh
– Ra mồ hôi trộm có thể là một biểu hiện của trẻ bị cảm lạnh.
– Cảm lạnh thường do virus. Trẻ dưới 6 tuổi hay bị nhất, các triệu chứng thường kéo dài hơn một tuần.
– Trẻ có thể có các triệu chứng khác như: nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, tắc nghẽn xoang, đau họng, ho, đau nhức toàn thân (thường liên quan đến bệnh cúm)
Dị ứng
Hen suyễn
Chảy mũi do dị ứng
Phản ứng dị ứng da như eczema
Ngừng thở khi ngủ
Viêm amidan
Tăng động
Dễ tức giận, nóng nảy
Viêm phổi quá mẫn
– Đây là tình trạng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp.
– Cùng với ra mồ hôi trộm, trẻ có thể có các triệu chứng khác như: ho, khó thở, ớn lạnh, sốt, mệt.
Ung thư ở trẻ em
– Đây là tình trạng hiếm gặp nhất. Nếu trẻ chỉ có biểu hiện ra mồ hôi trộm thì có thể rất chắc chắn chúng không bị ung thư
– U lympho và các loại ung thư khác là một loại nguyên nhân rất rất hiếm gặp của ra mồ hôi trộm. U lympho Hodgkin có thể xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi.
– Các triệu chứng có thể kèm theo như: sốt, chán ăn, buồn nôn, nôn, sút cân, khó nuốt, khó thở, ho.
3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Hầu hết các trường hợp ra mồ hôi trộm là lành tính. Nếu trẻ chỉ có tình trạng ra mồ hôi trộm thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, cần cho trẻ đi khám nếu trẻ có các triệu chứng kèm theo như:
– Ngủ ngáy
– Thở bằng miệng
– Thở khò khè
– Chướng bụng khi thở
– Hụt hơi
– Đau tai
– Cổ cứng
– Chán ăn
– Sụt cân
– Nôn nhiều
– Tiêu chảy
Khám cấp cứu nếu trẻ sốt hơn 2 ngày hoặc có tình trạng nặng.
Trẻ cũng cần được khám nếu mồ hôi có mùi khác hoặc có mùi cơ thể. Vì đây có thể chỉ là tình trạng dậy thì nhưng cũng có thể là tình trạng khác.
4. Điều trị
- Hầu hết trẻ không cần điều trị vì tình trạng này là bình thường ở hầu hết trẻ em, đặc biệt là trẻ trai.
- Mặc cho trẻ những bộ đồ ngủ mát, nhẹ, thoáng khí, chăn mỏng, không để nhiệt độ phòng quá ấm.
+ Đồ ngủ: nên chọn chất liệu cotton, vừa thoáng khí, vừa giúp thấm hút mồ hôi.
+ Chăn, gối: nên chọn các chăn nhẹ với chất liệu lông tự nhiên, giúp điều hòa nhiệt độ, cũng như thấm hút mồ hôi. Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi nên được ngủ trong một môi trường hoàn toàn trống trải, không có chăn gối. Trẻ dưới 2 tuổi nên được ngủ trong nhộng hoặc các túi ngủ.
+ Nhiệt độ phòng: một số khuyến cáo ở các nước phương Tây cho rằng nhiệt độ phòng nên 18 – 22 độ C, với độ ẩm khoảng 45%. Điều này còn chưa thống nhất ở Việt Nam. Bố mẹ có thể đặt nhiệt độ phòng thích hợp sao cho trẻ ngủ yên, khô ráo.
- Nếu do các nguyên nhân thông thường như cảm lạnh, cúm… trẻ sẽ hết ra mồ hôi trộm khi tình trạng bệnh được giải quyết.
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác như hen suyễn, dị ứng.
Bác sĩ nhi khoa có thể thực hiện một số thử nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác. Một số biện pháp đơn giản, không gây đau cho trẻ như:
+Thử nghiệm tinh bột iod: một dung dịch được phết lên da trẻ để xác định vùng ra mồ hôi quá nhiều.
+Thử nghiệm giấy: vùng da ra nhiều mồ hôi sẽ được trải bởi một loại giấy đặc biệt. Mảnh giấy này sẽ thấm hút mồ hôi, sau đó được cân lên để đánh giá mức độ tiết mồ hôi của trẻ.
5. Tóm tắt
Ra mồ hôi trộm ở trẻ đa phần do phát triển sinh lý hoặc môi trường, hiếm gặp do các nguyên nhân sức khỏe nghiêm trọng.
Hầu hết trẻ không cần điều trị.
Nếu lo lắng, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa để được khám và tư vấn.
Tài liệu tham khảo:
Hà Nội, 2020
BS. Quân