Viêm màng não do Enterovirus: kiến thức cha mẹ cần biết
Viêm màng não do Enterovirus: kiến thức cha mẹ cần biết

1. Viêm màng não do enterovirus là gì?

Viêm màng não là tình trạng viêm lớp màng bao phủ tủy sống và não. Virus Enterovirus là nguyên nhân thường gặp nhất (các nguyên nhân khác là vi khuẩn và nấm). Các virus khác có thể gây viêm màng não, như virus herpes (herpes simplex & varicella-zoster), sởi, quai bị, rubella…

Viêm màng não do Enterovirus thường ít nghiêm trọng hơn viêm màng não do vi khuẩn và các nguyên nhân virus khác. Trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch có thể bị bệnh nặng.

2. Ai có thể mắc bệnh viêm màng não do enterovirus?

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người hệ miễn dịch bị suy giảm và trẻ em dưới 5 tuổi.

3. Viêm màng não do Enterovirus có hay gặp?

Đây là bệnh có thể gặp ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển. Có thể gây thành dịch từng đợt ở các trường học.

4. Các biểu hiện của bệnh viêm màng não do Enterovirus?

  • Các triệu chứng thường gặp ở trẻ em bao gồm sốt, kém ăn, nôn trớ, đau đầu, kích thích, thờ ơ, và buồn ngủ.
  • Người lớn có thể sốt, cứng cổ, nhức đầu, sợ ánh sáng, thờ ơ, buồn ngủ, chán ăn và nôn.
  • Tiêu chảy và đau bụng là một triệu chứng phổ biến.
  • Đau cơ, đau khớp, đau họng và phát ban cũng có thể gặp.
  • Rất hiếm khi viêm màng não do enterovirus gây yếu hoặc liệt chi cấp tính.

5. Làm sao để chẩn đoán bệnh?

  • Chẩn đoán cần dựa vào dịch tễ cũng như các triệu chứng lâm sàng.
  • Để chẩn đoán xác định, Bác sĩ sẽ cần làm xét nghiệm như chọc dịch não tủy, chụp cắt lớp hoặc MRI sọ não, xét nghiệm máu và xét nghiệm virus ở dịch họng hoặc phân.

6. Chẩn đoán phân biệt?

Do viêm màng não Enterovirus là bệnh tự giới hạn và thường hồi phục hoàn toàn nên chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác (có thể gây hậu quả nặng nề) là hết sức quan trọng.

Các bệnh cần chẩn đoán phân biệt gồm:

  • Viêm màng não do căn nguyên virus khác: trong đó cần chú ý nhất là viêm não-màng não do herpes: đây là căn nguyên thường gặp, có thể để lại di chứng thần kinh nặng nề, điều thuốc kháng virus sớm giúp hạn chế bệnh cũng hạn chế được các biến chứng.
  • Viêm màng não mủ: căn nguyên do vi khuẩn, là căn nguyên có thể để lại di chứng thần kinh. Đây là bệnh cần điều trị đúng kháng sinh đúng càng sớm càng tốt
  • Sốt virus thông thường khác như: Cúm, chân tay miệng, virus gây tiêu chảy khác…

7. Điều trị?

  • Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm màng não do enterovirus.
  • Điều trị hỗ trợ giúp giảm các triệu chứng như thuốc giảm đau, giảm sốt, giảm nôn. Bù đủ nước là mấu chốt, uống ORS hoặc nước dừa theo nhu cầu, chú ý uống từng thìa hoặc từng ngụm nhỏ giúp hạn chế nôn trớ, nên ăn đồ dễ tiêu như cháo loãng, nước ép trái cây..không nhất thiết phải ép trẻ ăn trong những ngày đầu của bệnh. Trường hợp trẻ mất nước do sốt cao, tiêu chảy mà không thể bù bằng đường uống ( Nôn, mệt nhiều), cần phải nhập viện để bù nước bằng đường tĩnh mạch.
  • Vai trò của corticoid không rõ ràng.
  • Kháng sinh không có vai trò.

8. Tiên lượng?

Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể sẽ tự giới hạn bệnh và phục hồi hoàn toàn trong vòng vài ngày.

 

9. Các dấu hiệu cần nhập viện cấp?

Trẻ có các dấu hiệu nặng gồm: 

    • Sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt
    • Nôn quá nhiều hoặc li bì khiến trẻ không thể ăn uống được bất cứ thứ  gì trong 2-3 giờ liên tục.
    • Co giật

Cần lọai trừ các nguyên nhân gây nhiễm trùng thần kinh do Vi khuẩn hoặc do virus Herpes…..

 

10. Dự phòng

    • Enterovirus nhân lên trong hệ thống dạ dày-ruột và lây truyền qua đường phân-miệng. Nhiễm trùng xảy ra khi virus đi vào đường tiêu hóa qua đường miệng- thức ăn.  Một số Enterovirus có thể lây truyền qua giọt bắn từ đường hô hấp dịch tiết.

    • Nhìn chung, các thực hành vệ sinh tốt bao gồm rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay tã lót hoặc sau tiếp xúc với người bệnh. Khử trùng bề mặt sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm nhiễm Enterovirus.

    • Che miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay cũng giúp hạn chế lây lan bệnh.

    • Hiện chưa có vaccin phòng bệnh hữu hiệu.

Tài liệu tham khảo:

    1. Enteroviral Meningitis An update for Physicians, Accident & Emergency Practitioners and Laboratorians. National institute for infectious diseases. April 2019.

    1. Anahita I, Ali Akbar R, Yousef M, Sayed Yousef M. Prevalence of Enterovirus Meningitis in Children: Report from a Tertiary Center. Maedica (Bucur). 2018 Sep;13(3):213-216

    1. Bronstein DE, Glaser CA. Encephalitis and meningoencephalitis. In: Feigin and Cherry’s Textbook of Pediatric Infectious Diseases, 8th ed, Cherry JD, Harrison GJ, Kaplan SL, et al (Eds), Elsevier Saunders, 2019. p.361.

Hà nội, 2024

BS Đông